Tỉnh Bến Tre có tổng đàn trâu, bò 231.650 con, trong đó đàn bò sữa 2.570 con, với giá trị kinh tế rất cao cần được bảo vệ. Hiện tỉnh chưa ghi nhận bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò, nhưng đã triển khai các giải pháp ngăn ngừa, ứng phó. UBND tỉnh vừa phê duyệt kinh phí khoảng 489 triệu đồng để Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh này trong năm 2021.

Triệu chứng của bệnh
Bệnh VDNC (tên tiếng Anh là Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD) là bệnh truyền nhiễm do vi-rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Vi-rút này không gây bệnh trên người. Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như: muỗi, ruồi, ve; tiếp xúc giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh. Bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 – 14 ngày. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10 – 20%. Tỷ lệ chết khoảng 1 – 5%.
Triệu chứng chính của bệnh, gồm: sốt cao (có thể trên 41 độ C), bỏ ăn, giảm tiết sữa, da và niêm mạc nổi những nốt sần có đường kính khoảng 2 – 5cm. Đặc biệt, ở vùng da cổ, đầu, bầu vú, cơ quan sinh dục và vùng đáy chậu. Các biện pháp phòng chống bệnh chính bao gồm chủ động theo dõi, giám sát để kịp thời phát hiện sớm các trường hợp trâu, bò mắc bệnh; tiêu hủy trâu, bò mắc bệnh và tiêm phòng vắc-xin cho trâu, bò.
Hiện tại, Việt Nam đã nhập khẩu và thử nghiệm thành công vắc-xin để phòng bệnh VDNC trên trâu, bò. Với kinh phí 489 triệu đồng được UBND tỉnh phê duyệt, Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ yếu dùng để mua 12 ngàn liều vắc-xin phòng bệnh Lumpyvac dự trữ chống dịch. Khi dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh, sử dụng nguồn vắc-xin dự trữ chống dịch để tiêm phòng bao vây. Trường hợp năm 2021 dịch bệnh không xảy ra, nguồn vắc-xin này được chuyển sang hỗ trợ tiêm phòng miễn phí tại các vùng nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh năm 2022. Đồng thời, mua 120 lít hóa chất Hantox-200 dự trữ chống dịch để diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng là véc tơ truyền lây bệnh. Thiết kế và in ấn 10 ngàn tờ rơi tuyên truyền phòng chống bệnh VDNC phân phát cho các hộ chăn nuôi trâu, bò.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có công văn gửi UBND các huyện, thành phố, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Ban Quản lý dự án phát triển đàn bò sữa về việc tổ chức tiêm phòng khẩn cấp vắc-xin phòng bệnh VDNC ở trâu, bò.
Để chủ động phòng chống và không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan trên diện rộng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn cảnh giác, thường xuyên thông tin tuyên truyền; khuyến cáo người chăn nuôi chủ động tiêm phòng đàn trâu, bò của mình. Ban Quản lý Dự án Phát triển đàn bò sữa tỉnh không chủ quan, chủ động kinh phí tổ chức tiêm phòng vắc-xin VDNC cho 100% đàn bò sữa trong diện tiêm phòng. Chi cục Chăn nuôi và Thú y liên hệ với công ty nhập khẩu vắc-xin để chủ động nguồn vắc-xin cung ứng trong tỉnh nếu có nhu cầu.
Mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiêm phòng vắc-xin có thể mua tại Chi cục Chăn nuôi và Thú y hoặc các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y trong tỉnh hoặc trực tiếp mua từ Công ty cổ phần kinh doanh thuốc thú y AMAVET. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thông báo giá cung ứng vắc-xin: Tên vắc xin Lympyvac + nước pha. Qui cách 25 liều/lọ. Đơn vị tính: Liều. Thành phần: Virus chủng neethling đã làm giảm độc lực ≥ 103.5TCID50/DS. Nhà sản xuất: Vetal Animal Health Product S.A. Giá cung ứng (đã có thuế VAT) 36.750 đồng/liều.
Bà Trần Thị Hương Liên – Phó trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo: “VDNC là bệnh do vi-rút gây ra, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Để bảo vệ đàn trâu, bò, người dân cần thực hiện công tác phòng chống bệnh tổng hợp như chăn nuôi an toàn sinh học, tăng sức đề kháng cho trâu, bò, tổ chức tiêm phòng vắc-xin. Định kỳ mua hóa chất tiêu diệt véc-tơ truyền bệnh. Thường xuyên giám sát đàn trâu, bò để phát hiện sớm và xử lý kịp thời”.
Mục tiêu của kế hoạch phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2021 là tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng tránh bệnh cho hộ chăn nuôi và ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật. Sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với dịch bệnh viêm da nổi cục tránh lây lan dịch bệnh trên diện rộng trên địa bàn tỉnh.
Báo Đồng Khởi