Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, chính vì vậy tất cả những thông tin có liên quan đến dịch bệnh luôn được mọi người đặc biệt quan tâm theo dõi, nhất là trên các trang mạng xã hội. Lợi dụng điều này, một số đối tượng đã cố tình phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên các trang mạng nhằm mục đích “câu like”, “câu view”,
thậm chí có trường hợp đăng thông tin giả để cố tình bôi nhọ, xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch để tạo ấn tượng không tốt, bức xúc trong dư luận. Hành vi này không chỉ làm nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoang mang trong cộng đồng mà còn gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch của địa phương.

Ngày 14/7/2021, P.H.T.T (ngụ phường Phú Khương, TP Bến Tre) đã bị Công an TP. Bến Tre phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Bến Tre làm việc do đã đăng tải thông tin sai sự thật với nội dung: “Bà bán thịt heo chợ phường 5 chết rồi…”.
Qua xác minh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bến Tre khẳng định, trên mạng xã hội lan truyền thông tin bệnh nhân T.T.N. (khu vực chợ Phường 5, TP. Bến Tre) nhiễm Covid-19 đã tử vong là hoàn toàn sai sự thật.
Qua làm việc, P.H.T.T thừa nhận hành vi của mình là sai và đã xóa bài viết ngay sau đó, đồng thời tự nguyện cam kết không tái phạm.
Trong cuộc chiến với dịch Covid-19, để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, các lực lượng trên tuyến đầu phòng chống dịch đã bất kể ngày đêm, không quản ngại thời tiết mưa, nắng bám trụ tại các chốt kiểm dịch, khu vực phong tỏa, khu cách ly…, chấp nhận việc phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, vẫn có một số ít đối tượng chỉ vì mục đích riêng mà đăng thông tin sai sự thật, với ý đồ xấu để xúc phạm, hạ uy tín lực lượng phòng chống dịch, gây sự hiểu nhầm trong dư luận.
Trường hợp của L.T.L.N, sinh năm 1999, Khu phố 2, thị trấn Giồng Trôm, do khu vực N sinh sống bị phong tỏa vì dịch bệnh Covid-19, lực lượng phòng chống dịch tại chốt kiểm dịch không cho N ra bên ngoài theo quy định phòng chống dịch.
Bức xúc về việc trên, ngày 26/7/2021, N sử dụng tài khoản Facebook cá nhân của mình đăng tải nội dung về việc các chốt kiểm soát dịch không cho gia đình đi ra ngoài; mua thuốc, đi chợ, phải đóng 10.000 đồng… và có lời lẽ xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch.
Qua xác minh, cơ quan chức năng xác định các nội dung phản ánh trên mạng xã hội của N là không đúng sự thật nên đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Nhi số tiền 7,5 triệu đồng.
Không chỉ riêng hai trường hợp nêu trên, từ khi dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh đến nay, Công an Bến Tre đã phối hợp các đơn vị liên quan kịp thời xác minh và xử lý 95 trường hợp phát tán tin giả, tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh Covid-19, góp phần ổn định tâm lý trong cộng đồng dân cư.
Qua phân tích các trường hợp đăng thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19 thời gian qua chúng ta có thể nhận thấy nguyên nhân chủ yếu do thiếu hiểu biết về pháp luật, xem thông tin qua các trang thông tin điện tử không chính thống; chưa nhận thức được sự nguy hiểm của việc đăng tải thông tin sai sự thật, tiêu cực.
Đồng thời một số trường hợp vì mục đích câu like, câu view để chứng tỏ bản thân; thiếu cảnh giác, thiếu trách nhiệm của người dùng internet và mạng xã hội, khi phát hiện những thông tin nóng trên các trang thông tin điện tử không chính thống đã không tìm hiểu mà chia sẻ ngay, gây hoang mang trong xã hội.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa là do người dân gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội ảnh hưởng đến sinh hoạt nên đã thể hiện bức xúc trên mạng xã hội, có khi xúc phạm đến uy tín cơ quan, tổ chức.
Theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân và hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với cá nhân; tổ chức sẽ bị phạt từ 10 – 20 triệu đồng; trong trường hợp có tính chất nghiêm trọng, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Có thể thấy, việc xuất hiện, lan truyền các tin giả trên không gian mạng xã hội đã và đang tác động không nhỏ đến tâm lý, đời sống cộng đồng, nhất là các thông tin liên quan đến dịch bệnh Covid-19 đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Do đó, bản thân mỗi người cần hết sức bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, theo dõi sát thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh covid-19; không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh; kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật.
Cùng với đó, các ngành có liên quan cần kịp thời tuyên truyền các thông tin chính thống đến các tầng lớp Nhân dân một cách nhanh nhất, chính xác nhất để mọi người nắm bắt, tránh bị tác động bởi các thông tin sai, xấu làm sai lệch sự thật; đồng thời tăng cường rà soát, xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức cố tình phát tán tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội, không để “virus tin giả” làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch cũng như công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương.
Nguồn: www.bentre.gov.vn