BẾN TRE: CẢNH BÁO TÌNH TRẠNG GIẾT NGƯỜI DO NGUYÊN NHÂN XÃ HỘI

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã xảy ra 7 vụ giết người, làm 7 người chết; so với cùng kỳ năm 2021, tăng 5 vụ, 4 người chết. Con số này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự gia tăng khuynh hướng sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn của một số cá nhân trong xã hội hiện nay.

dieutra30-3.png

Điều tra viên lấy lời khai Nguyễn Phước Thiện

Khoảng 00 giờ 15 phút ngày 8/3/2022, Nguyễn Hoàng Văn (sinh năm 2004, ngụ xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc) điều khiển xe mô tô từ hướng ngã tư Tân Thành về nhà. Khi đi ngang quán nhậu Sáng Đêm, gần cầu Kênh Xáng, xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre, Văn tấp xe vào để mượn bật lửa mồi thuốc hút. Lúc này, có một thanh niên đang ngồi nhậu ở quán kế bên nghĩ Văn là bạn nên chạy ra giang tay đón đầu xe, biết mình nhìn nhầm người nên thanh niên này quay vào quán ngồi nhậu tiếp.

Văn cho rằng người này muốn kiếm chuyện với mình nên đã gọi bạn là Nguyễn Phước Thiện (sinh năm 2003, ngụ xã An Hiệp, huyện Châu Thành) đến giải quyết. Khi đến nơi, Thiện và Văn vào quán hất đỗ bàn tiệc, rút dao bấm hâm dọa những người trong bàn. Phản ứng lại hành động này, Lê Minh Hiếu (sinh năm 2003, ngụ xã Mỹ Thạnh An, thành phố Bến Tre) cầm hai vỏ chai bia ném và đi về phía Văn. Văn liền rút dao đâm vào ngực Hiếu. Lúc này, Thiện cũng dùng dao đâm vào lưng Hiếu một nhát. Hiếu bỏ chạy khỏi hiện trường, được mọi người đưa đí cấp cứu nhưng đã tử vong trước khi đến bệnh viện.

Về phần Văn và Thiện, sau khi đâm Hiếu thì tiếp tục cầm mã tấu quay lại quán đập phá, hâm dọa mọi người trước khi rời đi. Khi biết Hiếu đã chết, cả hai đã đến cơ quan Công an đầu thú.

Qua vụ án này, chúng ta thấy rõ bản tính hung hăng, côn đồ, sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, xích mích của Văn và Thiện. Từ một sự việc tưởng chừng như vô hại nhưng bằng cách xử sự côn đồ thái hóa, hai kẻ này đã gây ra án mạng. Tại cơ quan điều tra, Thiện và Văn còn thừa nhận luôn mang theo dao nhọn bên mình để phòng thân và sẵn sàng sử dụng làm hung khí khi xảy ra ẩu đã, xô xát.

Thời gian qua, các vụ án mạng xảy ra trên địa bàn tỉnh đều xuất phát từ nguyên nhân xã hội. Có những vụ việc bắt nguồn từ những mâu thuẫn nhất thời bộc phát, nhưng cũng có những vụ án bắt nguồn từ mâu thuẫn dai dẵn, kéo dài, dẫn đến xung đột rồi xảy ra án mạng.

Do tranh chấp lối đi chung nên giữa gia đình của Nguyễn Thanh Phong (sinh năm 1989) và ông Lê Hoàng Thắm (sinh năm 1965, cùng ngụ xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại) từ lâu đã nảy sinh mâu thuẫn. Vấn đề tranh chấp đã được Tòa án giải quyết nhưng gia đình ông Thắm không đồng ý. Ngày 28/2/2022, Phong cùng gia đình tiến hành dựng trụ rào để chắn bớt lối đi thì xảy ra xô xát với gia đình ông Thắm. Trong lúc đánh nhau, Phong đã đâm ông Thắm 2 nhát dẫn đến tử vong. Sau khi sự việc xảy ra, Phong đã đến cơ quan Công an đầu thú và thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội.

Những ngày bị tạm giam để điều tra, Phong cảm thấy rất hối hận về hành vi nông nổi của mình và vô cùng nuối tiếc về cái giá phải trả cho cả hai gia đình vốn là họ hàng, thân thích. Một bên bị mất người thân, một bên phải đối diện với sự trừng phạt của pháp luật chỉ vì tranh chấp một lối đi. Bị can Nguyễn Thanh Phong bày tỏ: “Bị can rất hối hận về hành vi của mình nhưng không thể nào quay lại để sửa sai. Bị can thấy dùng vũ lực không giải quyết được chuyện gì, nó chỉ làm mọi chuyện tệ hơn đến mức không thể cứu vãn. Mong rằng mọi người hãy xem đây là bài học đừng để hối hận khi đã muộn màng như bị can”.

Qua các vụ án mạng đã xảy ra dù do mâu thuẫn bộc phát nhất thời hay âm ĩ kéo dài đều có một điểm chung là khuynh hướng sử dụng vũ lực để giải quyết của những người có liên quan. Trong con tức giận, thiếu kiềm chế rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc, không thể cứu vãn. Do vậy, khi có mâu thuẫn, xích mích nảy sinh trong cuộc sống, mọi người cần bình tĩnh giải quyết dựa trên quy định của pháp luật và đạo đức xã hội.

Mặt khác, thói quen mang theo hung khí khi ra đường của một bộ phận thanh thiếu niên là một hành vi hết sức nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây thương tích, thậm chí án mạng cho người khác. Dưới góc độ tâm lý, người mang theo hung khí luôn có khuynh hướng sử dụng vũ lực thay vì thỏa hiệp khi xảy ra mâu thuẫn, xung đột. Vì vậy, gia đình cần kịp thời phát hiện, giáo dục và phối hợp với cơ quan Công an răn đe, ngăn chặn.

Trao đổi thêm về biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội trong thời gian tới, Thượng tá Nguyễn Văn Dũng – Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bến Tre, cho biết: “Cùng với trách nhiệm đấu tranh, phòng ngừa của cơ quan chức năng, mỗi cá nhân cần nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, vun đắp xây dựng tình làng, nghĩa xóm, quản lý, nhắc nhở thân nhân sống tích cực, lành mạnh, không lạm dụng rượu bia và tuyệt đối không mang theo hung khi khi ra đường. Khi nảy sinh các mâu thuẫn, xích mích, những người có liên quan cần bình tĩnh giải quyết hoặc nhờ chính quyền can thiệp, hòa giải. Mặt khác, mọi người cần mạnh dạn tố giác những hành vi nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột, đánh nhau đến cơ quan Công an để kịp thời ngăn chặn, xử lý”.

Tội phạm giết người có thể sẽ đối mặt với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Do vậy, mỗi người cần cân nhắc khi hành xử, tuyệt đối không dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn. Song song đó, để phòng ngừa, kéo giảm tội phạm giết người rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Các cấp các ngành, nhất là ở cơ sở cần quan tâm giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân, không để dẫn đến xung đột. Mỗi gia đình cần quản lý, giáo dục con em, kịp thời uốn nắn những biểu hiện bạo lực, côn đồ, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Nguồn: https://congan.bentre.gov.vn/