Bến Tre: KHÔNG VAY TIỀN VẪN BỊ ĐÒI NỢ KIỂU “KHỦNG BỐ”

Cũng như nhiều địa phương khác, thời gian qua, tại Bến Tre nổi lên tình trạng nhiều người không vay tiền nhưng vẫn bị đòi nợ kiểu “khủng bố”. Bị hại và bạn bè, người thân liên tục bị các đối tượng xấu điện thoại, tin nhắn quấy phá, đe đọa. Một số người còn bị cắt ghép ảnh đưa lên mạng xã hội với các nội dung vu khống, phản cảm gây ảnh hưởng đến cuộc sống, uy tín, danh dự của bản thân và gia đình bị hại.

vaytienkb-27-7-22.jpg

Chị V đến cơ quan Công an trình báo sự việc ​

Nhiều tháng nay, cuộc sống và công việc của chị B.K.V, giáo viên một trường mầm non trên địa bàn thành phố Bến Tre, hoàn toàn bị xáo trộn bởi khoản nợ từ trên trời rơi xuống. Số tiền không lớn nhưng cách đòi nợ kiểu “khủng bố” của những kẻ cho vay làm chị điêu đứng. Mỗi ngày, chị và gia đình nhận hàng chục cuộc điện thoại chửi bới, hâm dọa, yêu cầu phải trả số tiền mà chị không hề vay. Để gia tăng áp lực, bọn chúng còn cắt ghép hình ảnh của chị gửi đến cơ quan, bạn bè và tung lên mạng xã hội kèm theo những lời lẽ lăng mạ, vu khống. Những hành động “khủng bố” liên hoàn này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của bản thân, gia đình và cơ quan chị V đang công tác. Trước sức ép ngày càng lớn của những kẻ đòi nợ, chị V đã trình báo cơ quan Công an để được can thiệp, giúp đỡ. Chị V chia sẻ: “Lúc đầu tôi thật sự cảm thấy rất khủng hoảng khi bị tấn công liên tục nhiều phía. Cuộc sống gia đình bị xáo trộn, một số đồng nghiệp và phụ huynh tỏ vẻ hoài nghi, nhìn mình bằng ánh mắt không thiện cảm. Có lúc tôi tưởng chừng bản thân sấp gục ngã, không thể vượt qua những điều tai tiếng, thị phi do bọn xấu cố tình bịa đặt”.

Anh T.T.N ngụ xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự chị V. Hơn một tháng nay, anh thường xuyên bị “khủng bố” bởi những kẻ đòi nợ. Bọn chúng cũng liên tục gọi điện thoại, nhắn tin cho anh, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp để đe dọa và tung nhiều thông tin bịa đặt trên mạng xã hội nhằm gây áp lực buộc anh phải trả nợ. Anh N khẳng định bản thân anh không hề vay khoản nợ này nhưng trước hành động vu khống của những kẻ đòi nợ, uy tín, danh dự của anh bị ảnh hưởng rất lớn, gây dư luận xấu mà bản thân anh rất khó thanh minh, giải thích. Sự việc đã được anh N trình báo với cơ quan Công an với mong muốn tìm ra thủ phạm, minh oan cho bản thân và làm sáng tỏ thông tin vu khống, bịa đặt được những kẻ tự nhận là bên cho vay dàn dựng nhằm mục đích trục lợi. Anh N bức xúc: “Khi những thông tin vu khống lan truyền đến cơ quan, cấp trên đã yêu cầu tôi giải trình rất nhiều vấn đề; áp lực dư luận làm tôi cảm thấy nặng nề, ngột ngạt. Bản thân và gia đình bị gọi điện, nhắn tin quấy rối bất kể ngày đêm. Khoảng thời gian này, cuộc sống tôi gần như bị đảo lộn, tinh thần sa sút, không thể toàn tâm toàn ý vào bất cứ việc gì”.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, những nạn nhân không vay tiền mà vẫn bị đòi nợ có thể rơi vào một trong hai trường hợp. Thứ nhất là đã cung cấp thông tin cá nhân để vay tiền qua app hay mua hàng trả góp, từ đó đối tượng xấu có thể truy xuất vào danh bạ điện thoại và tài khoản mạng xã hội để thực hiện các hành vi khủng bố tinh thần, gây sức ép buộc nạn nhân phải trả nợ, cho dù những khoản vay trước đây đã thanh toán đầy đủ. Trường hợp thứ hai là nạn nhân mất giấy chứng minh nhân dân (CMND), thẻ căn cước công dân (CCCD) bị đối tượng xấu nhặt được hoặc chúng thu thập những giấy tờ này của một số người thiếu cảnh giác đăng trên mạng xã hội và sử dụng để vay tiền qua app mà bản thân bị hại không hề hay biết. Hiện tại, có rất nhiều ứng dụng cho vay tiền online chỉ cần chụp hai mặt CCCD hay CMND là có thể thực hiện hợp đồng vay tiền. Vì vậy, các đối tượng xấu thường tìm cách lấy thông tin cá nhân của người khác để vay tiền qua app và số tiền này tự dưng sẽ trở thành nợ của người đã bị lấy thông tin cá nhân.

Trong tình huống bị các đối tượng xấu đe dọa, vu khống để buộc trả nợ, Thượng tá Nguyễn Phương Hòa – Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bến Tre khuyến cáo: Khi vô cớ bị gọi điện đòi nợ, nạn nhân có thể yêu cầu bên đòi nợ xuất trình các chứng từ liên quan đến giao dịch vay, đồng thời lưu lại những cuộc gọi, tin nhắn, những hình ảnh, lời lẽ bôi nhọ… và trình báo với cơ quan công an để tiến hành điều tra, xác minh sự việc cũng như có phương án xử lý“.

Về mặt pháp lý, hành vi đe dọa, khủng bố tinh thần, vu khống người khác để ép buộc trả một khoản nợ khống có thể cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với khung hình phạt từ 1 năm đến 20 năm tù. Trường hợp không để cưỡng đoạt tài sản mà nhằm mục đích xúc phạm nghiên trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể cấu thành tội “Làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017), có khung hình phạt đến 5 năm tù. Ngoài ra, hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác sẽ cấu thành tội “Vu khống” theo quy định tại Điều 156 Bộ Luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017), với mức phạt đến 7 năm tù tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vu khống và hậu quả xảy ra.

Hành vi đê hèn, dùng mọi thủ đoạn để đe dọa, vu khống người khác nhằm mục đích ép nạn nhân trả những khoảng nợ bản thân không hề vay vừa vi phạm pháp luật, vừa đáng bị lên án, phê phán ở góc độ đạo đức xã hội. Để phòng tránh và hạn chế hậu quả xảy ra cho bản thân, mọi người cần chú ý bảo mật thông tin cá nhân và kịp thời trình báo cơ quan Công an để được hướng dẫn xử lý khi xảy ra sự việc.

Nguồn link: https://congan.bentre.gov.vn/tin-tuc/2022/07/khong-vay-tien-van-bi-doi-no-kieu-khung-bo